TỔNG QUAN THỊ TRƯỜNG THÉP NỬA ĐẦU NĂM 2024
Tiêu thụ thép của Trung Quốc giảm do cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài vẫn chưa chạm đáy và tăng trưởng nhu cầu cơ sở hạ tầng chậm lại sau khi 12 khu vực mắc nợ được lệnh dừng một số dự án.
Theo dữ liệu tổng hợp do Cục Thống kê Quốc gia (NBS) công bố từ tháng 1 đến tháng 2, các nhà phát triển Trung Quốc đã đầu tư tổng cộng 1.18 nghìn tỷ NDT (164.5 tỷ USD) vào ngành này từ tháng 1 đến tháng 2, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, đầu tư khu dân cư thậm chí còn giảm nhanh hơn ở mức 9.7%.
Đầu tư vào lĩnh vực bất động sản trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 5 cũng giảm 10.1% so với năm trước, chậm hơn so với mức giảm 9.8% trong tháng 1-tháng 4.
Để giảm áp lực cung trong nước, các nhà máy Trung Quốc tiếp tục tăng xuất khẩu như một giải pháp cứu vãn giá cả. Xuất khẩu thép trong tháng 3 của Trung Quốc tăng 25.3% hay 2 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2023 lên 9.89 triệu tấn, đạt mức ao nhất kể từ tháng 7/2016 khi các nhà máy Trung Quốc tăng nguồn cung xuất khẩu do nhu cầu nội địa yếu.Hầu hết các lô hàng xuất khẩu thép trong tháng 3 là đơn đặt hàng giao ngay vào tháng 1 và đầu tháng 2 khi nhu cầu thép nội địa của Trung Quốc suy yếu trước Tết Nguyên đán. Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán bắt đầu từ ngày 10/2 nhưng người mua trong nước đã rút lui khỏi thị trường từ 3-4 tuần trước đó vào cuối tháng 1. Các nhà máy chuyển nhiều nguồn cung hơn sang thị trường nước ngoài để giảm áp lực bán hàng ở thị trường nội địa.Tổng lượng thép xuất khẩu trong cả Q1 tăng 30.7% so với năm ngoái lên 25.8 triệu tấn. Hoạt động xây dựng ngoài trời ở Trung Quốc cũng chậm lại trước Tết Nguyên đán. Giá thép Trung Quốc có xu hướng giảm trong tháng 1 và đầu tháng 2 do tiêu dùng trong nước yếu. Giá xuất xưởng thép cây Thượng Hải đã giảm 90 NDT/tấn (12.4 USD/tấn) hay 2.3% từ ngày 2/1 xuống còn 3,880 NDT/tấn vào ngày 9/2.
Xuất khẩu thép tăng vọt càng khiến xung đột thương mại trên toàn thế giới thêm xấu đi. Tổng thống Joe Biden đã quyết định tăng thuế lên tới 25% đối với một số sản phẩm thép của Trung Quốc vào ngày 14/5.
Xuất khẩu thép của Trung Quốc đã tăng hơn 1/3 vào năm ngoái lên mức cao nhất kể từ năm 2016, lên tới 90.26 triệu tấn. Tuy nhiên, khối lượng cung cấp sang Mỹ trong năm ngoái giảm 8.2% so với năm trước - xuống còn 598 nghìn tấn. Chúng chiếm chưa đến 1% tổng lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc trị giá 85 tỷ USD vào năm 2023, điều này làm dịu đi cú sốc về quyết định tăng thuế của Mỹ. Các nhà phân tích lưu ý rằng điều này khó có thể có tác động lớn vì các điểm đến chính của xuất khẩu thép của Trung Quốc là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Đông.
Tuy nhiên, các biện pháp bảo hộ đối với thép Trung Quốc cũng đang được tăng cường. Một báo cáo của một cơ quan nghiên cứu Trung Quốc cho thấy có 112 quốc gia nộp đơn xin các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với các sản phẩm thép từ Trung Quốc vào năm 2023, nhiều hơn khoảng 20 đơn so với năm 2022. David Kasho, giám đốc nghiên cứu tại Wood Mackenzie, lưu ý rằng các nhà phân tích dự đoán sẽ có nhiều tranh chấp thương mại hơn trong năm nay.
Xuất khẩu cũng dễ bị tổn thương trước những bất ổn không chỉ phát sinh từ tranh chấp thương mại mà còn từ nguồn cung ngày càng tăng ở nước ngoài và khả năng Bắc Kinh sẽ áp đặt các hạn chế sản xuất.
Giá thép tại Trung Quốc chịu áp lực trong tháng 3 do nhu cầu yếu. Chỉ số HRC fob giảm xuống 526 USD/tấn vào ngày 18/3, mức thấp nhất kể từ ngày 24/10/2023. Biên lợi nhuận của các nhà máy thép chuyển biến tích cực vào đầu tháng 3 do giá quặng sắt, than luyện cốc và than cốc luyện kim giảm. Các nhà máy hiện đang hoạt động ở mức lợi nhuận 100 NDT/tấn.
Chỉ số quặng 62%fe cfr Trung Quốc giảm xuống 101.40 USD/tấn vào ngày 15/3, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2023. Giá than cốc luyện kim trong nước đã giảm 500-550 NDT/tấn trong năm nay, sau 5 đợt giảm giá.Theo Luo Tijun, phó chủ tịch Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA), ngành thép nước này đang đối mặt với mâu thuẫn – tiềm năng cung mạnh và nhu cầu giảm. Mấu chốt để giải quyết vấn đề là các nhà sản xuất hàng đầu phải đi đầu trong việc giữ tỷ lệ sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường.
Trung tâm GMK đã đưa tin, trong quý 1/2024, các nhà sản xuất thép Trung Quốc đã giảm sản lượng thép 1.9% so với cùng kỳ năm 2023, xuống còn 256.55 triệu tấn.
Dữ liệu kinh tế vĩ mô của Trung Quốc trong quý đầu tiên cũng mang lại chút lạc quan cho tâm lý thị trường thép sang Q2. Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, GDP quý đầu tiên tăng 5.3% so với một năm trước đó, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng dự kiến là 4.6% trong quý và cũng cao hơn mức tăng trưởng 5% mục tiêu cho cả năm.
Chính phủ Trung Quốc cũng đã tung ra các chính sách kích thích kinh tế để thúc đẩy thị trường bất động sản, giúp thị trường thép có những đợt phục hồi ngắn hạn vào tháng 5, đẩy giá trung bình trong tháng tăng so với tháng 4.
Cụ thể, Quảng Châu đã hạ tỷ lệ trả trước tối thiểu đối với người mua nhà thứ nhất và thứ hai xuống lần lượt là 15% và 25%, đồng thời loại bỏ giới hạn lãi suất cho vay thế chấp thương mại thấp nhất.
Thâm Quyến đã hạ tỷ lệ trả trước từ 30% xuống 20% đối với người mua nhà lần đầu và từ 40% xuống 30% đối với người mua nhà thứ hai, đồng thời cắt giảm 35% lãi suất cho vay thế chấp thấp nhất.
Chính quyền địa phương Thượng Hải cũng công bố một loạt chính sách mua nhà vào chiều muộn ngày 27/5, bao gồm giảm tỷ lệ trả trước, rút ngắn thời gian nộp thuế thu nhập của người mua nhà và cắt giảm lãi suất cho vay thế chấp thương mại.
Những biện pháp này đã thúc đẩy tâm lý thị trường thép trong nước vì chúng có thể giúp kích thích doanh số bán nhà và thúc đẩy nhu cầu thép. Một nhà sản xuất thép phía bắc Trung Quốc cho biết: “Đây là biện pháp kích thích mạnh nhất cho đến nay nhằm khuyến khích mua nhà”. Nhưng những chính sách này vẫn được thị trường coi là thận trọng so với khoản tiền mặt 4 nghìn tỷ nhân dân tệ (550 tỷ USD) được bơm vào thị trường nhà đất trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Ưu tiên của thị trường bất động sản là xả hàng, trong đó các chủ đầu tư không có đủ động lực để xây nhà mới trước khi lượng tồn kho nhà của họ giảm xuống mức hợp lý.
Chính phủ trung ương Trung Quốc, Hội đồng Nhà nước cũng đã công bố vào ngày 29/5 kế hoạch hành động tiết kiệm năng lượng và giảm lượng carbon của đất nước trong giai đoạn 2024-25, trong đó tuyên bố rằng họ sẽ tiếp tục kiểm soát sản xuất thép vào năm 2024. Điều này làm dấy lên kỳ vọng của thị trường về việc bắt buộc cắt giảm sản lượng trong thời gian còn lại của năm nay và thúc đẩy tâm lý thị trường.
Nhưng theo Cục Thống kê Quốc gia, do sản lượng thép từ tháng 1 đến tháng 4 của Trung Quốc giảm 3% so với một năm trước đó nên sẽ không khó để đạt được sản lượng ổn định trong cả năm kể từ năm 2023. Yêu cầu cụ thể về kiểm soát sản xuất không được đề cập trong kế hoạch này. Do đó, tác động của chính sách này không mang lại manh mối nào cho triển vọng nguồn cung.
Nhu cầu thép cây chủ yếu đến từ các tòa nhà chưa hoàn thiện và các dự án được chính phủ hỗ trợ. Giá thép cây tăng trở lại gần 300 NDT/tấn tính trong tháng 5 từ mức đáy nhiều năm là 3,400 NDT/tấn thiết lập vào đầu tháng 4, với tỷ suất lợi nhuận của các nhà máy thép thanh ở mức thấp khoảng 100 NDT/tấn. Tuy nhiên, nhu cầu có dấu hiệu suy yếu trong tháng 6 vì mùa hè từ tháng 6 đến tháng 8 của Trung Quốc là mùa tiêu thụ thép giảm giá điển hình vì nhiệt độ cao và thời tiết mưa. Giá thép cây Thượng Hải giảm 70 NDT/tấn hay 1.9% từ 3,620 NDT/tấn vào ngày 31/5 xuống còn 3,550 NDT/tấn vào ngày 14/6. Mức giá hiện tại thấp hơn 500 NDT/tấn so với đầu năm nay.
Sản lượng thép cây cũng tăng lên vào giữa tháng 5 sau khi giá tăng trở lại nhờ gói kích thích mới. Nhưng các nhà sản xuất lớn vẫn tập trung vào các sản phẩm thép dẹt có lợi nhuận cao hơn, bao gồm thép cuộn và thép tấm. Một nhà máy lớn ở miền Đông Trung Quốc chỉ mở 2 dây chuyền sản xuất thép cây trong số 12 dây chuyền thép cây, trong đó phần lớn thép thô được đưa vào sản xuất thép dẹt. Mối lo ngại cũng đang gia tăng về việc sản lượng thép dẹt tăng và công suất cao hơn sẽ dẫn đến tình trạng dư cung.
Giá HRC giảm chậm hơn so với thép cây, và cũng bắt đầu phục hồi kể từ tháng 4 khi vào mùa cao điểm. Tuy nhiên, giá giảm so với đầu năm, với giá HRC giao ngay Thượng Hải tính tới giữa tháng 6 đã mất khoảng 300 NDT/tấn so với đầu năm, về mức 3,770 NDT/tấn có thuế. Các nhà máy thép đang hoạt động với tỷ suất lợi nhuận khoảng 100 NDT/tấn đối với HRC.
Trên thị trường xuất khẩu, áp lực nhu cầu nước ngoài yếu và giá nội địa giảm buộc các nhà máy phải giảm giá để tăng xuất khẩu, giảm tải áp lực nội địa. Thị trường suy yếu nửa đầu năm và có sự tăng trưởng nhẹ trong tháng 5 nhưng tổng thể yếu. Đà giảm giá xuất khẩu chậm hơn so với giá nội địa.
Chào bán HRC SS400 từ các nhà máy lớn giảm khoảng 50 USD/tấn so với mức chào giá 590 USD/tấn fob đầu năm, xuống còn khoảng 540 USD/tấn fob hiện tại. Chào bán HRC SAE1006 về Việt Nam trong tháng 6 giảm về mức 540-550 USD/tấn cfr từ mức 610 USD/tấn cfr Việt Nam đầu năm.
Giá nguyên liệu thô cũng chịu ảnh hưởng xu hướng giảm diện rộng của thị trường kim loại màu. Chỉ số quặng 62%fe hiện duy trì trên mức 100 USD/tấn cfr Thanh Đảo, giảm từ mức 140 USD/tấn cfr đầu năm 2024. Trong tháng 5, giá có sự tăng trưởng ngắn hạn, với giá tăng 17% tính tới ngày 30/5 kể từ đầu tháng 4 nhờ triển vọng tích cực và biên lợi nhuận thép được cải thiện.
Quặng 62%fe đã phục hồi từ mức thấp nhất trong 11 tháng là 100.45 USD/tấn cfr Thanh Đảo vào ngày 5/4, phá vỡ trên 120 USD/tấn và chạm mức 120.90 USD/tấn vào ngày 21/5, mức cao nhất kể từ cuối tháng 2.
Nhu cầu than luyện cốc bằng đường biển của Trung Quốc cũng tăng kể từ tháng 4 do nhu cầu bổ sung hàng dự trữ và hy vọng phục hồi kinh tế. Nhưng không chắc liệu điều này có thể được duy trì trong trường hợp không có thị trường thép vững chắc trong dài hạn hay không.
Giá than cốc PLV cao cấp tại Trung Quốc đạt mức 260 USD/tấn vào ngày 30/5, phục hồi từ mức thấp nhất tính từ đầu năm là 234 USD/tấn vào ngày 9/4, chủ yếu do nhu cầu bổ sung hàng dự trữ mạnh mẽ và tâm lý vững chắc hơn về sự trở lại của các biện pháp kích thích hơn nữa.
DỰ BÁO XU HƯỚNG THỊ TRƯỜNG NỬA CUỐI NĂM 2024
YẾU TỐ TÍCH CỰC:
_ Có sự lạc quan thận trọng về nhu cầu nửa cuối năm so với nửa đầu năm. Nhiều thành phố của Trung Quốc đang lên kế hoạch và thúc đẩy xây dựng các dự án lớn mà những người tham gia thị trường cho rằng sẽ hỗ trợ đẩy nhanh đầu tư cơ sở hạ tầng. Dữ liệu của NBS cho thấy đầu tư cơ sở hạ tầng từ tháng 1 đến tháng 4 đã tăng 6% so với một năm trước đó. Cơ sở hạ tầng chiếm khoảng 1/5 tổng nhu cầu thép.
Bên cạnh kỳ vọng nhu cầu mạnh mẽ từ đầu tư cơ sở hạ tầng của nước này, ngành công nghiệp ô tô (đặc biệt là sản xuất xe điện), năng lượng tái tạo và sản xuất cũng sẽ bù đắp cho việc xây dựng bất động sản đang chậm lại.
Hynes và Kumari của ANZ Research ước tính rằng tăng trưởng nhu cầu thép trong các lĩnh vực phi tài sản sẽ nâng mức tiêu thụ của Trung Quốc tăng 0.5% so với cùng kỳ năm ngoái lên 929 triệu tấn vào năm 2024.
Theo ANZ Research, cơ sở hạ tầng và ngành công nghiệp ô tô lần lượt chiếm 25% và 10% lượng tiêu thụ nội địa của Trung Quốc. Các nhà phân tích cho biết: “Đầu tư vào nhà ở xã hội nên tăng lên. Đầu tư cơ sở hạ tầng vẫn mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi những nỗ lực của chính phủ nhằm xây dựng ngành năng lượng tái tạo của đất nước. Ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc, ngành công nghiệp lớn nhất thế giới, sẽ nhận được nhiều biện pháp hỗ trợ hơn nữa, đặc biệt tập trung vào thị trường xe điện (EV). Các ngành sản xuất, máy móc và vận chuyển cũng đang có sự tăng trưởng.”
_ Nhu cầu thép toàn cầu dự kiến phục hồi nhẹ cũng sẽ hỗ trợ tiêu thụ thép Trung Quốc, giảm tải áp lực cung. Worldsteel dự báo nhu cầu thép sẽ tăng trở lại 1.7% để đạt 1,793 triệu tấn vào năm 2024.
Tuy nhiên, tăng trưởng nhu cầu cũng bị hạn chế bởi hàng loạt trở ngại, bao gồm sức mua của hộ gia đình giảm, áp lực lạm phát, chi phí cao, thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ và căng thẳng địa chính trị.
_ Xuất khẩu thép của Trung Quốc dự kiến sẽ duy trì ở mức cao trong năm nay do sản lượng cao, giá cả cạnh tranh và nhu cầu thép trong khu vực tăng cao. Xuất khẩu thép của Trung Quốc trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 4 đã tăng 27% so với năm trước lên hơn 35 triệu tấn. Xuất khẩu tăng giúp sẽ giảm áp lực cung trong nước, hỗ trợ giá cả.
_Nguồn cung thép Trung Quốc sẽ tiếp tục thắt chặt trong năm nay để giảm phát thải cacbon ngành thép. Chính phủ trung ương Trung Quốc, Hội đồng Nhà nước đã công bố vào ngày 29/5 kế hoạch hành động tiết kiệm năng lượng và giảm lượng carbon của đất nước trong giai đoạn 2024-25, trong đó tuyên bố rằng họ sẽ tiếp tục kiểm soát sản xuất thép vào năm 2024. Điều này làm dấy lên kỳ vọng của thị trường về việc bắt buộc cắt giảm sản lượng trong thời gian còn lại của năm nay và thúc đẩy tâm lý thị trường. Việc kích thích có thể được thực hiện một cách thận trọng nhằm xoa dịu bong bóng bất động sản, điều này sẽ giúp nhu cầu từ Trung Quốc phục hồi bền vững hơn, đặc biệt là trong nửa cuối năm 2024.
_ Thị trường thép được củng cố từ giá kim loại toàn cầu dự kiến tăng trong thời gian tới do nguồn cung hạn chế dưới tác động của các hạn chế thương mại. Các hạn chế thương mại, chẳng hạn như lệnh cấm gần đây đối với kim loại có nguồn gốc từ Nga tại các sàn giao dịch hàng hóa lớn ở Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, có thể thắt chặt nguồn cung nhôm và đồng. Nguồn cung thiếc dự kiến sẽ phải đối mặt với những hạn chế do các hạn chế xuất khẩu được đưa ra vào tháng 2 bởi Myanmar và sự chậm trễ cấp phép liên tục ở Indonesia - cả hai nước đều chiếm 40% sản lượng thiếc toàn cầu. Việc cắt giảm và gián đoạn sản xuất ở Nam Mỹ được dự đoán sẽ tác động đến tăng trưởng nguồn cung đồng toàn cầu trong năm nay. Tương tự, các nhà sản xuất kẽm lớn dự kiến sẽ giảm nguồn cung để ứng phó với tình trạng giá yếu trước đó, với giá giảm gần 30% trong khoảng thời gian từ tháng 3 năm 2022 đến tháng 4/2024.
_ Việc kết thúc chu kỳ thắt chặt tiền tệ nới lỏng áp lực ngành thép Trung Quốc khi lãi suất cao làm tăng chi phí thế chấp và đi vay, dẫn đến hoạt động sản xuất và nhà ở suy thoái. Vào năm 2024, các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ việc các ngân hàng trung ương, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, kết thúc chu kỳ thắt chặt tiền tệ của họ. Vào ngày 21/3, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ đã khiến thị trường ngạc nhiên khi cắt giảm lãi suất chuẩn 0.25 điểm phần trăm xuống 1.5%.
Ngân hàng Trung ương Châu Âu và Fed cũng đã chỉ ra rằng họ có thể giảm bớt các hạn chế về tiền tệ một khi lạm phát quay trở lại mục tiêu của họ.
Worldsteel tin rằng tình trạng giảm phát nhanh hơn dự kiến, cùng với việc nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa, có thể mang lại sự thúc đẩy đáng kể cho các lĩnh vực phụ thuộc nhiều vào thép, đặc biệt là xây dựng nhà ở.
YẾU TỐ TIÊU CỰC
_ Lĩnh vực bất động sản tiếp tục yếu kém, có thể cản trở sự phục hồi ngành thép. Đầu tư và bán bất động sản đã giảm đáng kể, dẫn đến lo ngại về tác động của nó đối với nền kinh tế nói chung. Các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ giá quặng sắt vì chúng gắn chặt với hiệu quả kinh tế của Trung Quốc. Giá quặng sắt đã giảm đáng kể, phản ánh mối lo ngại về nhu cầu suy yếu ở Trung Quốc. Sự suy giảm này có thể là do sự chậm lại của thị trường bất động sản và mức tiêu thụ nhiên liệu. Quặng sắt giảm hơn một phần tư kể từ đầu năm, xuống gần 100 USD khi mối lo ngại về Trung Quốc chiếm ưu thế.
Các công ty bất động sản trong nước đang vật lộn với mức nợ cao do vay mượn quá mức và xây dựng quá mức. Bất chấp các biện pháp của chính phủ nhằm hỗ trợ lĩnh vực này, chẳng hạn như giảm lãi suất thế chấp và trả trước cho người mua nhà lần đầu, vẫn có rất ít dấu hiệu cho thấy sự phục hồi.
Vào cuối tháng 1/2024, một tòa án ở Hồng Kông đã ra lệnh thanh lý gã khổng lồ bất động sản Evergrande của Trung Quốc sau khi không đưa ra được kế hoạch thuyết phục để cơ cấu lại khoản nợ 300 triệu USD, Al Jazeera đưa tin.
Vào cuối tháng 2, một gã khổng lồ phát triển bất động sản khác của Trung Quốc, Country Garden, thông báo rằng họ phải đối mặt với đơn yêu cầu thanh lý vì không trả được khoản vay 205 triệu USD.
Nhà chiến lược hàng hóa cao cấp của ANZ Research, Daniel Hynes và Nhà chiến lược hàng hóa Soni Kumari đã viết trong một ghi chú vào ngày 21/3 ước tính rằng mức tiêu thụ thép từ lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc sẽ giảm 4% xuống còn 270 triệu tấn trong năm nay do việc xây dựng bất động sản chậm hơn nữa.
_ Nhu cầu thép nội địa của Trung Quốc sẽ còn áp lực do ảnh hưởng chính từ ngành bất động sản xuy yếu khiến sự tăng trưởng nhu cầu từ các lĩnh vực khác khó có thể bù đắp được khoản lỗ này, theo phát biểu của Phó thư ký Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (Cisa) Fan Tiejun. Tiêu thụ thép của nước này đã giảm 3.3% so với năm 2022 xuống còn 890 triệu tấn vào năm 2023 và dự kiến sẽ giảm xuống 870 triệu tấn vào năm 2025.
Tương tự, nhu cầu từ bên ngoài Trung Quốc cũng dự kiến yếu do lãi suất tăng cao tiếp tục đè nặng lên hoạt động kinh tế.
_ Thị trường tài chính năm nay có thể chịu tác động từ các sự kiện bất ngờ tiềm ẩn, gọi là “thiên nga đen”, theo Joachim Klement từ Liberum Capital. Ông đề cập rằng một “thiên nga đen” có thể xảy ra khi thị trường trở nên quá lạc quan và định giá việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) quá sớm trong năm. Nếu nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh mẽ với chi tiêu tiêu dùng và tăng trưởng GDP mạnh mẽ, Fed có thể trì hoãn việc cắt giảm lãi suất hết năm nay.
_ Việc Trung Quốc thúc đẩy xuất khẩu thép sẽ thu hút hơn nữa các biện pháp bảo hộ thương mại, gây khó cho ngành thép Trung Quốc. Mỹ và EU đang bàn những hành động cứng rắn hơn nhằm hạn chế hàng xuất khẩu giá rẻ của Trung Quốc. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã kêu gọi EU cùng Mỹ hạn chế nhập khẩu hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc, cảnh báo rằng tình trạng dư thừa sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc có thể đe dọa sự tồn vong của các nhà máy ở nơi khác. EU đã có những hành động nhằm giải quyết các khoản trợ cấp của Trung Quốc trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau, gây ra lo ngại về một cuộc chiến thương mại.
_ Tình trạng dư thừa công suất vẫn là trở ngại hiện hữu trong ngành thép Trung Quốc, nhất là khi tăng trưởng nhu cầu dần chậm lại. Mặc dù nước này liên tục đưa ra các chính sách giảm sản xuất, giảm phát thải cacbon, song hiệu quả thực tế chưa cao. Chi phí nguyên liệu thô giảm cho phép các nhà máy tiếp tục sản xuất kiếm lời và thúc đẩy công suất tăng trở lại khi giá cao.
_ Căng thẳng địa chính trị tiếp tục, với cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài, ảnh hưởng hơn nữa đến triển vọng kinh tế chung của Liên minh Châu Âu và gây ra những hạn chế đối với nhu cầu thép cũng như giá cả toàn cầu. Kịch bản địa chính trị thậm chí còn xấu đi hơn nữa kể từ khi chiến tranh bùng nổ ở Gaza và môi trường đầu tư vẫn còn bất ổn trong bối cảnh lo ngại xung đột leo thang ở Trung Đông.
TRIỂN VỌNG GIÁ
Sự phục hồi nhu cầu sau Covid của Trung Quốc đã yếu đi vào năm ngoái và nhu cầu sau Tết Nguyên đán không thành hiện thực trong năm nay, khiến các thành viên trên thị trường vẫn đang chờ đợi tác động của các biện pháp hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc.
Với nhu cầu thép của Trung Quốc được dự đoán sẽ tiếp tục yếu, hạn chế sự phục hồi của tiêu dùng toàn cầu, dự báo giá thép nửa cuối năm 2024 sẽ là bao nhiêu?
Các nhà phân tích BMI đã viết:
“Chúng tôi dự đoán rằng trong những tháng tới, giá cả có thể sẽ tiếp tục biến động, tâm lý thị trường phụ thuộc phần lớn vào các biện pháp kích thích của Trung Quốc.”
Các nhà phân tích của BMI cho biết, sự suy thoái trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc sẽ vẫn là nguy cơ giảm giá thép, đồng thời cho biết thêm rằng tình trạng suy thoái nhà ở của nước này có thể sẽ kéo dài trong nhiều năm, do tình trạng dư cung trong bối cảnh nhu cầu đầu cơ suy yếu.
BMI nói thêm rằng giá thép có thể còn thấp hơn kỳ vọng hiện tại của họ nếu động lực kinh tế của Trung Quốc vẫn yếu vào năm 2024.
Tuy nhiên, theo Haykal Hubeis, Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp Chế biến và Lọc dầu Indonesia, cho biết giá thép có thể tăng trở lại trong nửa cuối năm nay.
Hubeis, đồng thời là giám đốc của nhà sản xuất thép PT Delta Prima Steel của Indonesia, nhận xét:
“Đầu tư vào cơ sở hạ tầng và sản xuất tại Trung Quốc dự kiến sẽ tăng. Nhu cầu thép từ Ấn Độ cũng đang tăng lên. Nhu cầu từ cả Trung Quốc và Ấn Độ đều chậm lại vào năm 2023, nhưng sự lạc quan hiện đang nổi lên trước nửa cuối năm.”
Sản lượng thép có thể giảm trong nửa cuối năm nay so với đầu năm nhờ các kiểm soát tăng cường. Tuy nhiên, mức giảm dự kiến nhỏ vì các biện pháp hạn chế có thể không nghiêm ngặt và việc mở rộng công suất sẽ tiếp tục, cả hai yếu tố này đều có xu hướng gây áp lực lên thị trường.
Triển vọng nhu cầu thận trọng vì những thách thức trong lĩnh vực bất động sản, ngành tiêu thụ thép xây dựng lớn nhất sẽ còn kéo dài đến cuối năm. Nhu cầu thép thanh sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với thép dẹt. Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đóng góp khoảng 30% GDP của đất nước và tỷ lệ tương tự trong tiêu thụ thép.
Doanh số bán thép dẹt được hỗ trợ nhiều hơn do nhu cầu về ô tô, đóng tàu, sản xuất và chuyển đổi năng lượng ngày càng tăng, hỗ trợ giá thép dẹt.
Theo satthep.net, giá dự kiến biến động yếu trong nửa cuối năm theo xu hướng tăng trưởng nhẹ so với Q2 sau khi đã chạm đáy đầu tháng 4. Tuy nhiên, phạm vi phục hồi thấp hơn mức đầu năm nay do tăng trưởng nhu cầu yếu. Chi phí nguyên liệu thô giảm giữ lợi nhuận ổn định.
Thép cây giao ngay tại Thượng Hải dự kiến phục hồi trong Q3 và chậm dần lại trong quý cuối năm, với mức giá đạt được khoảng 3,700-3,750 NDT/tấn trong khi HRC dao động quanh mức 3,900 NDT/tấn có thuế về cuối năm.
Trên thị trường xuất khẩu, giá cũng biến động phạm vi hẹp và có các đợt tăng đan xen. Phạm vi chào giá HRC SAE1006 Trung Quốc về Việt Nam vào Q4 dự kiến trong phạm vi 570-575 USD/tấn cfr.
Thép dài còn gọi là thép xây dựng (sử dụng trong ngành xây dựng) như thép hình, thép thanh và thép cây.
Thép dẹt được sử dụng trong ngành công nghiệp nặng như đóng tàu, sản xuất ô tô, sản xuất các máy móc thiết bị công nghiệp, bao gồm các loại thép tấm, lá, cán nóng và cán nguội.
Lưu ý: Dự báo trên chỉ mang tính tham khảo. Quý khách hàng nên tham khảo thêm nhiều nguồn tin khi quyết định mua bán.