Đầu tuần này, giá dầu đã giảm xuống mức thấp chưa từng thấy kể từ tháng 1, khi các thương nhân cân nhắc lo ngại suy thoái, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Và trong khi hôm thứ Tư chứng kiến một đợt phục hồi khác được châm ngòi bởi dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ giảm mạnh (7,1 triệu thùng), nhưng nó không đủ để đẩy giá trở lại mốc 100 USD.
Hợp đồng xăng dầu tự nhiên kỳ hạn cũng đã giảm vào đầu tuần này, mặc dù triển vọng trước mùa đông vẫn lạc quan.
Các mặt hàng khác dường như cũng mất dần sức hút do dữ liệu từ kinh tế Trung Quốc, và nếu không phải dầu và khí đốt giữ vai trò chủ chốt, chắc chắn đó là kim loại công nghiệp nặng và thép.
Thị trường kim loại công nghiệp. Nguồn: Bloomberg |
Tính đến thứ Sáu tuần trước (ngày 12/8), chỉ số hợp đồng hàng hoá có kỳ đáo hạn không đổi của UBS đã giảm khoảng 11% so với mức đỉnh hồi đầu tháng 6. Song, chỉ số này vẫn tăng khoảng 16% tính từ đầu năm đến nay.
Hiện tại, do triển vọng tăng trưởng xấu đi, đồng USD mạnh lên và thị trường bất động sản Trung Quốc rơi vào khủng hoảng, nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách.
Tuy nhiên, trong báo cáo mới, các chiến lược gia của UBS Global Wealth Management (GWM) cho biết các hạn chế từ phía nguồn cung - yếu tố từng làm bệ đỡ cho đà tăng của hàng hoá trong nửa đầu năm, cũng đang tác động đến triển vọng chung.
Mặc dù giá hàng hoá có thể giảm hơn nữa trong trường hợp nền kinh tế thế giới suy thoái sâu, Giám đốc đầu tư Mark Haefele của UBS GWM và cấp dưới cho rằng xác suất xảy ra một cuộc "hạ cánh mềm" cũng tương đương với xác suất của một cuộc suy thoái.
Các chuyên gia tại hãng quản lý tài sản lớn nhất thế giới còn nói thêm rằng "những nhận định bi quan trên thị trường hàng hoá hiện không nhìn nhận đầy đủ các động lực từ phía cung".
"Nhìn chung, nguồn cung hàng hoá đang bị hạn chế do nhiều năm không được đầu tư. Tồn kho của nhiều mặt hàng đang ở mức thấp. Bên cạnh đó còn có các yếu tố liên quan đến thời tiết và địa chính trị. Chúng tôi nhận thấy nhu cầu thời gian tới sẽ rất tích cực", ông Haefele cho biết.
Khả năng tăng giá
UBS kỳ vọng nhu cầu của Trung Quốc sẽ phục hồi. Các dữ liệu về hoạt động sản xuất và lĩnh vực bất động sản cho thấy chính phủ Trung Quốc cần phải bơm thêm kích thích tài khoá.
Dù thừa nhận rằng một gói kích thích "khủng" là rất khó xảy ra, ông Haefele cho rằng Bắc Kinh sẽ có nhiều hỗ trợ hơn trong những tháng tới. Điều này sẽ giúp ổn định nhu cầu đối với các hàng hoá như quặng sắt và kim loại công nghiệp.
Cũng theo các chiến lược gia của UBS, nói nền kinh tế Mỹ chắc chắn sẽ rơi vào suy thoái là quá sớm. Họ cảm thấy nhận định của mình có cơ sở hơn khi báo cáo việc làm tháng 7 được công bố.
Nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tạo thêm 528.000 việc làm trong tháng 7, vượt xa các dự báo đồng thuận của giới chuyên gia. Đồng thời, lạm phát giá tiêu dùng đã hạ nhiệt, cho thấy Fed không cần phải thắt chặt chính sách mạnh mẽ như dự kiến trước đó.
Ngoài ra, UBS cho rằng thị trường nhiều khả năng sẽ lại lo ngại về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung. Các kim loại công nghiệp và thép - vốn cũng là các thành phần cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng, sẽ là trọng tâm của chu kỳ tăng giá mới trên thị trường.
"Mặc dù quan điểm này không mới, nhưng chúng tôi tin rằng thế giới vẫn chưa chuẩn bị kịp cho một đợt tăng giá hàng hoá bắt nguồn từ quá trình chuyển đổi xanh", Giám đốc đầu tư của UBS GWM nói.
"Hơn nữa, dù giá hàng hoá đã tăng cao hơn, thu nhập bấp bênh của các nhà khai thác trong hơn một thập kỷ qua và những lo ngại về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) đã hạn chế đầu tư vào nguồn cung tương lai của nhiều kim loại quan trọng như đồng", ông nhận định.
Điều đó đồng nghĩa rằng nguồn cung sẽ khó bắt kịp khi nhu cầu gia tăng, ông Haefele nhận định. Trên thị trường dầu mỏ, nơi cũng chứng kiến tình trạng thiếu đầu tư tương tự, các nhà sản xuất tại OPEC+ hiện không còn hoặc còn rất ít công suất dự phòng.
UBS cũng nhận thấy rằng sự chênh lệch cung cầu đối với các mặt hàng nông nghiệp sẽ kéo dài sang năm sau, do chiến sự tại Ukraine tiếp tục, giá năng lượng leo thang, trang trại thiếu lao động và thời tiết khắc nghiệt.
Ông Haefele cho rằng về tổng thể, thị trường hàng hoá đang bị "quá bán" và các nhà đầu tư sẽ bắt đầu bớt quan tâm tới tăng trưởng ngắn hạn mà chuyển sang lo ngại hơn về áp lực từ phía nguồn cung. UBS dự đoán lợi nhuận trả về từ các khoản đầu tư vào thị trường hàng hoá trong 6 đến 12 tháng tới rơi vào khoảng 15 - 20%.
Nhận định của UBS phản ánh quan điểm của một gã khổng lồ Phố Wall khác là Goldman Sachs. Trong một ghi chú tuần trước, Goldman Sachs cho rằng "những kỳ vọng rất phi lý [của nhà đầu tư] khiến giá cả hàng hoá khó duy trì ở mức bền vững". Cũng theo lời ngân hàng này, mô hình định giá hàng hoá hiện tại đã bị phá vỡ.
Ông Jeff Currie - trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hoá toàn cầu của Goldman Sachs, cho biết: "Ngày nay, các thị trường hàng hoá dường như đang có những kỳ vọng rất phi lý, khi giá và tồn kho cùng giảm xuống, nhu cầu vượt kỳ vọng và nguồn cung gây thất vọng".
Tuy nhiên, nếu niềm tin của người tiêu dùng được chứng minh là không chính xác và nguồn cung không thể trở nên dư thừa, vị chuyên gia của Goldman Sachs nói cuộc tranh giành mua hàng tồn kho sẽ dẫn đến tình trạng khan hiếm và kéo giá lên cao đáng kể vào mùa thu.
Điều này có thể buộc các ngân hàng trung ương phải thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn và khiến nền kinh tế giảm tốc trong lâu dài hơn, Goldman Sachs nhấn mạnh trong ghi chú mới.
Ông Currie kết luận, cho đến khi nhìn thấy các yếu tố cơ bản của thị trường hàng hoá thực sự dịu lại và vẫn tin rằng nhu cầu cũng như giá cả hàng hoá sẽ đi lên. Do đó, Goldman Sachs dự đoán chỉ số hàng hoá S&P GSCI sẽ tăng 23,4% vào cuối năm nay.